BẢO VỆ THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA CHO NGÀNH CƠ KHÍ VIỆT NAM

Bảo vệ thị trường nội địa cho ngành cơ khí Việt Nam

Muốn xây dựng và bảo vệ thị trường nội địa cho cơ khí, Nhà nước phải nhanh chóng ban hành và chỉ đạo thực hiện dùng hàng rào kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa như các nước đã và đang chủ động thực hiện. Cần xem xét việc bình đẳng các ưu đãi đầu tư giữa doanh nghiệp cơ khí nội địa và doanh nghiệp FDI…

Đợt dịch Covid-19 kéo dài từ tháng 5 đến nay tiếp tục ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực, địa bàn quan trọng, một số khu công nghiệp, nơi tập trung một lượng lớn lao động, có các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, bị tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng lớn tới các chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Trong khi đó, giá một số mặt hàng nguyên vật liệu tăng cao, cước phí vận chuyển quốc tế tăng mạnh, các thị trường xuất khẩu sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa của Việt Nam… đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và ngành cơ khí nói riêng.

Từ cuối tháng 9/2021 tình hình dịch bệnh có cải thiện, nhưng việc phục hồi sản xuất trong điều kiện “bình thường mới” trên tinh thần sống chung với dịch bệnh sẽ phải mất nhiều tháng mới có thể trở lại mức trước khi xảy ra dịch bệnh.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất máy móc, thiết bị tháng 9/2021 tăng 23,1% so với tháng 8/2021 nhưng giảm 17,9% so với tháng 9/2020; 9 tháng đầu năm nay tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Các sản phẩm CNHT ngành cơ khí chế tạo đạt sản lượng cao gồm có: Động cơ điện một chiều khác và máy phát điện một chiều; Động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37.5 W; Máy và thiết bị cơ khí khác có chức năng riêng biệt chưa được phân vào đâu;… Trong đó các địa phương có sản lượng sản xuất đạt cao gồm có: Đồng Nai, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, TP. Hà Nội…

Tháng 9/2021, sản lượng phần lớn các sản phẩm CNHT giảm so với cùng kỳ năm trướ, trong đó: Động cơ điện một chiều khác và máy phát điện một chiều giảm mạnh 90,17%; Tổ máy phát điện khác giảm 48,59%; Máy và thiết bị cơ khí khác có chức năng riêng biệt chưa được phân vào đâu giảm 42,42%; Máy biến thế điện khác có công suất > 16 kVA nhưng ≤ 500 kVA giảm 39,41%; Động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37.5 W giảm 26,61%;… Trong khi đó, sản lượng máy biến đổi điện quay tăng cao 70,5%.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, các sản phẩm CNHT ngành cơ khí chế tạo có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm 2020 là: Máy biến thế điện sử dụng điện môi lỏng công suất sử dụng không quá 650 KVA tăng 38,25%; Máy biến đổi điện quay tăng 18,83%; Động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37.5 W tăng 3,93%. Ngược lại, một số sản phẩm có sản lượng giảm như: Động cơ điện một chiều khác và máy phát điện một chiều giảm 15,41%; Máy biến thế điện khác có công suất > 16 kVA nhưng ≤ 500 kVA giảm 12,12%; Máy và thiết bị cơ khí khác có chức năng riêng biệt chưa được phân vào đâu giảm 0,77%; Tổ máy phát điện khác giảm nhẹ 0,45%.

 Theo Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), trung bình 5 – 10 năm qua, Việt Nam thường nhập khẩu từ nước ngoài trên dưới 40 tỷ USD/năm các trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất cho toàn ngành kinh tế bao gồm sản xuât công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, dịch vụ và an ninh quốc phòng. Đó là thị trường khá lớn mà nhiều nước muốn có mà không được. Thế nhưng ngành cơ khí nội địa Việt Nam lại không có được nhiều thị phần, phải tự lực trong cơ chế thị trường chưa hoàn thiện còn nhiều bất cập và chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách của nhà nước để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác. Dẫn đến cơ khí nội địa của nước ta đã thiếu đơn hàng và bị thua thiệt ngay trên sân nhà. Nguyên nhân tạo ra thực trạng trên là do cả chính sách, cơ chế của nhà nước và sự quản trị yếu kém của các doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam.

Tới đây, Việt Nam sẽ triển khai nhiều dự án lớn quan trọng của quốc gia có tổng mức đầu tư lớn như: Quy hoạch điện 8 giai đoạn từ 2021 đến 2030 khoảng 133 tỷ USD, đường sắt tốc độ cao 50-60 tỷ USD, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt nội đô, các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô tô, xe máy… Theo đó, Nhà nước nên quy định chặt chẽ tỷ lệ hợp lý trong khối lượng và giá trị dự án để đảm bảo dành cho doanh nghiệp cơ khí nội địa tham gia như thông lệ quốc tế, không nên cái gì cũng đi mua của nước ngoài mà khuyến khích nhận chuyển giao công nghệ để tự làm. Như vậy các doanh nghiệp cơ khí lớn có thể tham gia.

Khi khảo sát tại các Công ty CP Ô tô Trường Hải, Công ty CP Xe lửa Gia Lâm thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam, các doanh nghiệp này cho biết  ngoài các toa xe khách, xe hàng cho đường sắt quốc gia, nhà máy hoàn toàn có thể tự đóng được các toa xe nhẹ cho đường sắt đô thị (metro) nếu được yêu cầu. Và gần đây, việc tắc nghẽn cung ứng toàn cầu thiếu “công” cho các tàu vận tải, các doanh nghiệp cơ khí trong nước hoàn toàn có thể đảm nhiệm được. Nhà nước cũng có thể ưu đãi cho các doanh nghiệp đóng tàu về thuế và chính sách hỗ trợ đóng đổi tàu mới cho các doanh nghiệp vận tải để có thể tham gia vào thị trường logistic thúc đẩy xuất khẩu khi thị trường đã đủ lớn và tăng trưởng nhanh. Không để thị phần này gần hết cho nước ngoài mà không thể chủ động được.

Bên cạnh đó, nước ta cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu Việt Nam/ASEAN gắn với tỷ lệ nội địa hóa ở cả khu vực doanh nghiệp FDI cũng như cơ khí nội địa tránh tình trạng chuyển giá trong doanh nghiệp FDI nâng khống giá trị sản xuất trong nước khi thực sự chưa đạt yêu cầu để hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước.

Có thể thấy, thị trường nội địa của cơ khí Việt Nam không hề nhỏ bé. Vấn đề là các doanh nghiệp làm cơ khí nội địa và chính phủ phải tìm mọi cách để xây dựng và bảo vệ thị trường cơ khí nội địa và coi đó như tài nguyên quý giá của đất nước.

Sau hơn 3 thập niên, công nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam đã chế tạo được một số phân ngành sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trong nội địa và khu vực. Đó là các phân ngành sản phẩm chế tạo kết cấu thép, sản xuất hàng phi tiêu chuẩn, chế tạo một số máy, thiết bị, phụ tùng phục vụ nhu cầu ngành điện lực, dầu khí, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế tạo một số máy canh tác, chế biến, bảo quản nông lâm hải sản, lắp ráp ô tô, đóng tàu viễn dương, tầu chở khách và vận tải thủy, xử lý môi trường và sản xuất một số hàng tiêu dùng phục vụ dân sinh… nhưng giá trị gia tăng và hiệu quả thấp. Để có thể có nhiều sản phẩm cơ khí có tỷ lệ nội địa hóa cao, có hàm lượng công nghệ lớn, chắc chắn Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ đặc biệt, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp nào có thể thực hiện được sản xuất trong nước. Từ đó, những sản phẩm cơ khí Made in Việt Nam mới có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng trên thị trường. Người lao động Việt Nam, và người làm cơ khí mới có cơ hội nắm bắt xu hướng nền cơ khí hiện đại và đạt được mức thu nhập cao.

Để phát huy nội lực của DN cơ khí, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phát triển ngành cơ khí cũng như củng cố, phát huy kinh nghiệm của đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý, máy móc thiết bị, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích để các đơn vị này có thể tiếp tục tham gia vào các dự án lớn trong thời gian tới. Nếu thực hiện thành công một vài dự án, các DN sẽ tích lũy đủ năng lực để cạnh tranh với các tập đoàn công nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng như vươn ra thị trường khu vực.

Muốn xây dựng và bảo vệ thị trường nội địa cho cơ khí, Nhà nước phải nhanh chóng ban hành và chỉ đạo thực hiện dùng hàng rào kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa… như các nước đã và đang chủ động thực hiện. Cần xem xét việc bình đẳng các ưu đãi đầu tư giữa doanh nghiệp cơ khí nội địa và doanh nghiệp FDI. Nhà nước cần tạo nhiều đơn hàng đầu tư công thông qua đấu thầu cho doanh nghiệp cơ khí chế tạo nội địa. Chủ đầu tư các dự án đầu tư công có quy mô lớn ở Việt Nam phải có phụ lục nêu rõ những phần việc để doanh nghiệp nội địa tham gia đấu thầu thực hiện.

Nguồn Internet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *